Cây phượng gãy đổ có yếu tố chủ quan là không theo dõi, chăm sóc cho nên cây bị sâu bệnh mà không biết. Chỉ vì vụ cây phượng đổ đè học sinh mà chặt hết cây phượng trong sân trường là cách làm vội vã, sai lầm.
Chặt phượng ồ ạt, hành vi sai lầm.
Hiện tượng các trường đồng loạt chặt bỏ cây phượng vĩ do nghi ngại độ an toàn của cây và đảm bảo an toàn cho trách nhiệm của các thầy cô hiệu trưởng đang gây nhiều tranh luận trong xã hội.
Chia sẻ với phóng viên, GS Nguyễn Lân Hùng (chuyên gia sinh học – nông nghiệp) cho rằng việc chặt cây phượng là sai hoàn toàn.
Theo quan điểm của GS Nguyễn Lân Hùng, với những cây được trồng ở trên phố, trường học, cơ sở công cộng, điều đầu tiên là không được trồng cây dễ đổ như những loại cây cao, có rễ ăn nông, rễ chùm… Tiếp đến là xem xét loại cây ấy có độc tố hay không, nếu là loại cây gây mùi khó chịu, có chất độc thì không nên trồng.
Cũng theo GS.TS. Trần Văn Chứ, việc cây phượng đổ có hai nguyên nhân tác động từ phía con người. Ở các khu đô thị, các trường mới xây dựng, muốn cho đẹp mắt nên thường trồng ngay cây lớn. Nhưng những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ trong quá trình vận chuyện bị xước vỏ đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng. Quá trình làm sân trường, đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được, sẽ chết dần. Ngoài ra, nguyên nhân gây đổ cũng có thể đến từ việc xây bồn xung quanh gốc khiến thông khí, thoát nước kém, tổn hại đến rễ cây.
Để đảm bảo an toàn, khi trồng nên chọn những cây giống có kích thước vừa phải. Cây phải có ngọn, cành và chưa đến giai đoạn trưởng thành. Không nên trồng cây lớn mà bị cắt hết cành to, bởi sẽ rất nguy hiểm vì chuyện mục rỗng. Cây được trồng trên 20 năm nên định kỳ chăm sóc, kiểm tra. Cần phải có biện pháp chống, cắt tỉa những cành mọc vống vươn lên, khống chế chiều cao của cây. Định kỳ khoảng 3 năm cắt tỉa cây một lần thì sẽ tạo ra những lớp cành tán rất đều nhau. Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây. Đồng thời, liên hệ các công ty, chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra sao từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.
“Dù trồng cây gì, theo năm tháng, theo tuổi, cây cũng sẽ chết theo đúng quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Nhưng nếu chúng ta nâng niu, chăm sóc cây khoa học từ lúc trồng, chăm sóc,… cây sẽ không phụ chúng ta” – GS.TS. Trần Văn Chứ nhấn mạnh.
Cây phượng vĩ là loại cây rất bền, dẻo dai, tán lan đến đâu rễ lan đến đấy nên cây rất chắc chắn. Hơn nữa đây cũng là loại cây lá nhỏ, tán mỏng nên ít chịu tác động của gió bão, hạn chế tối đa hiện tượng gãy đổ.
Vị chuyên gia đưa ra dẫn chứng, từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã trồng phượng vĩ trên các dải phân cách giữa của một số tuyến đường của Hà Nội như Kim Mã, Giảng Võ, Nguyễn Tri Phương… Lá phượng nhỏ, khi mưa dễ dàng trôi, không làm tắc cống nên được các kỹ sư công chính xưa lựa chọn trồng.
“Vừa rồi nhiều người nói đến cây phượng đổ khiến một học sinh tử vong, ở đây cây phượng không có lỗi”, GS Nguyễn Lân Hùng bày tỏ và cho rằng không nên vì sự việc ấy mà chặt bỏ loại cây này. Thậm chí, theo ông thì “cây phượng rất nên trồng”.
“Vì cây phượng một loại cây xanh, gắn bó với tuổi học trò, mùa hoa phượng là mua thi cử, mùa hoa phượng là mùa chia tay. Rất nhiều kỷ niệm! Chúng ta còn có cả thành phố hoa phượng đỏ – đó là thành phố Hải Phòng. Ngay cả tôi đang ở Ninh Thuận đây thì cũng thấy thành phố này trồng rất nhiều hoa phượng. Không hoa nào rực rỡ như hoa phượng”, GS Nguyễn Lân Hùng nói.
Ông cho rằng, việc cây phượng gãy đổ có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Chủ quan là do không theo dõi, chăm sóc cho nên cây bị sâu bệnh mà không biết hoặc cành cao quá nhưng không được cắt tỉa; hoặc nơi trồng cây gần đường đi, cống rãnh khiến người ra xén rễ… Thậm chí có nơi người ta còn cho cả cho muối vào như thuốc độc để triệt hạ cây.
Vì thế, một lần nữa vị chuyên gia nhấn mạnh: “Việc các trường đi chặt hết cây phượng là cách làm sai lầm và đánh vào kỷ niệm học trò. Nhà trường nên giữ lại cây phượng vì tán đẹp. Nếu chăm sóc kỹ thì không dễ gãy đổ”.
Sau sự việc này, GS Nguyễn Lân Hùng cho rằng, các trường học, các cơ sở bệnh viện cũng phải quan tâm tới cây xanh trong khu vực mình. Về chuyên môn nên tham khảo các công ty công viên cây xanh, hằng năm mời họ đến bảo dưỡng, kiểm tra vấn đề sâu bệnh, tưới tắm, tỉa cành.
Một cán bộ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, không chỉ riêng cây phượng mà bất cứ cây gì cũng có thể xảy ra tình trạng gãy đổ nếu không được cắt tỉa cành, không được chăm sóc, theo dõi thường xuyên.
Tỏ ra xót xa trước việc các trường học thực hiện việc đốn hạ hàng loạt cây, vị cán bộ công ty cây xanh chia sẻ, có những cây phượng trồng từ thời Pháp đến giờ vẫn sống, do đó việc chặ hạ ồ ạt cây phượng là hoàn toàn sai lầm. Các nhà trường đã quá lo sợ đến trách nhiệm nên đưa ra quyết định vội vã chỉ vì nếu cây đổ, gây tai nạn thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.
“Việc chặt thì chỉ trong thời gian ngắn là xong, nhưng để trồng được một cây ra tán, ra hoa là cả một quá trình dài đòi hỏi nhiều công sức. Vì thế, việc đốn hạ hàng loạt cây phượng ở các trường học là việc làm hoàn toàn không nên”, vị cán bộ này chia sẻ.
Được biết, tại Hà Nội không có hiện tượng cây phượng vĩ bị cưa hàng loạt. Đối với việc đảm bảo an toàn cây xanh, theo thông tin từ Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, hiện nay, đơn vị đã cắt tỉa được khoảng 20.000 cây. Từ nay đến cuối mùa mưa bão sẽ cắt tỉa khoảng 30.000 cây nữa. Như vậy, tổng cộng sẽ cắt tỉa khoảng 50.000 cây xanh.