Cây Chùm Ruột, hay còn gọi là Tầm Ruột, cây có tên tiếng Anh là Gooseberry Tree. Đây là loài cây duy nhất có quả ăn được trong họ Diệp Hạ Châu (Phyllanthaceae). Cây Chùm Ruột chủ yếu được trồng tại Miền Nam nước ta, là loại có nhiều tác dụng, vừa trồng làm Cây Cảnh vừa cho trái ăn. Đồng thời, một số công trình nghiên cứu còn chứng minh, các sản phẩm từ Cây Chùm Ruột còn hỗ trợ điều trị một số bệnh rất hiệu quả.
Cây chùm ruột có nơi gọi là cây tầm ruột, tầm duộc…
Tên khoa học: Phyllanthus acidus (L.) Skeels; Họ thầu dầu – Euphobiaceae.
Cây có nguồn gốc từ các nước châu Mỹ nhiệt đới
Đặc điểm hình thái cây chùm ruột
Cây chùm ruột có thân gỗ nhỏ, thân sần sùi có u nhỏ, vỏ màu nâu nhạt, trong tự nhiên, cây cao trung bình 6-12m, cành có nhiều sẹo do lá rụng để lại. Lá nhỏ dài thường có màu xanh nhạt. Hoa mọc thành cụm ở nách lá, hoa nhỏ, đơn tính, màu đỏ xếp 4-7 chiếc ở nách lá rụng. Hoa đực có 4 cánh, hoa cái cũng có 4 cánh và một cuống ngắn. Quả thịt có nhân cứng, vỏ quả trơn láng, màu xanh hay vàng, có vị chua. Hiện nay, cây được lai tạo có nhiều giống mới quả ăn rất ngọt.
Công dụng của cây chùm ruột
Chùm ruột là cây ăn quả ngon, luôn cuốn hút lứa tuổi học trò. Quả chùm ruột có thể nấu canh ăn để giải nhiệt, làm mứt chùm ruột hoặc ăn sống.
Có thể trồng cây quanh vườn, trên sân thượng, vừa làm cảnh, vừa lấy bóng mát, quả dùng làm thực phẩm thật là thú vị.
Trong Đông y, quả chùm ruột dùng trị nhiều chứng bệnh như: đau họng, đau răng, vết thương ngoài da, viêm loét, hen suyễn…
Cách chăm sóc cây chùm ruột
Ánh sáng: Cây ưa ánh sáng chiếu xạ trực tiếp, đến bóng râm bán phần
Đất trồng: có thể trồng cây chùm ruột ở nhiều chân đất khác nhau, như đất thịt pha cát, đất phù sa, đất thịt nhẹ, đất vùng đồi núi, cấu tượng đất phải tơi xốp thoát nước tốt.
Nước tưới: cây chùm ruột có tính chịu được sự khô hạn cao, tuy nhiên, muốn cây luôn xanh tốt, nhiều hoa quả thì phải thường xuyên tưới đủ nước cho cây.
Phân bón: lúc cây còn nhỏ, định kỳ mỗi tháng bón phân cho cây 01 lần. Dùng các loại phân hữu cơ vi sinh, phân NPK 16-16-8. Sau mỗi đợt thu hoạch quả xong, cần bón thêm phân URE + DAP, giúp cây mau hồi phục sức khỏe.
Sâu bệnh: thường sâu ăn lá, rệp sáp, rệp muội, tấn công gây hại. Dùng: Karate, Sairifos, Bassa…
Cắt tỉa: sau mỗi đợt thu hoạch quả nên cắt tỉa lại cành nhánh, thu gọn lại tán cành cho cây, vì cành nhánh của cây chum ruột luôn vươn dài, không cân đối.