Cây chùm ruột là cây đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, cây đã gắn bó với tuổi thơ của rất nhiều người. Tuy trái chùm ruột không có nhiều dinh dưỡng như các loại trái nhưng lại là món ăn vặt được mọi lứa tuổi yêu thích. Hãy cùng tìm hiểu thông tin về cây qua bài viết nhé.
Tên thường gọi: Cây chùm ruột
Tên gọi khác: Cây tầm ruột
Tên khoa học: Phyllanthus acidus
Họ thực vật: Thuộc họ Diệp hạ châu – Phyllanthaceae
Tên tiếng anh: Gooseberry tree
Nơi sống: Cây chùm ruột thường mọc hoang ở các khu rừng nhiệt đới
Nguồn gốc xuất xứ: Cây có nguồn gốc ở vùng Madagascar
Phân bố: Cây phân bố chủ yếu ở các vùng có khí hậu nhiệt đới: Châu Á, một số vùng của châu Mỹ. Ở Việt Nam, chùm ruột trồng rải rác ở khắp đất nước chủ yếu là miền Tây Nam Bộ
Màu sắc của hoa: Màu hồng
Thời gian nở hoa: Hoa chùm ruột nở vào khoảng tháng 3 – 5
Cây chùm ruột thường mọc hoang ở các khu rừng nhiệt đới
Đặc điểm của cây Chùm ruột
Hình dáng bên ngoài: Cây chùm ruột thuộc dạng cây thân gỗ, cỡ nhỡ. Tán cây dày rậm rạp, vỏ cây màu xám đen, trên thân và cành có nhiều vết sẹo sần sùi của những cuống lá già đã rụng.
Kích thước: Cây trưởng thành đạt chiều cao từ 8 – 10m.
Lá: Lá cây chùm ruột là dạng lá kép mọc đối nhau trên cùng một cuống lá, các cuống lá dài khoảng 20 – 30cm. Các lá kép có hình trứng thuôn dài, kích thước khoảng 6 – 8cm, rộng khoảng 2 – 3cm, chóp nhon. Lá non màu xanh lục, khi già chuyển màu đậm hơn và vàng úa khi già nhưng không rụng lá ồ ạt theo mùa.
Hoa: Hoa chùm ruột thường nở thành từng chùm bám trên thân và các cành nhánh của cây mọc dày san sát từ gốc đến ngọn. Nếu có dịp đến miền Tây vào khoảng tháng 3 – 5 đều được chiêm ngưỡng sắc hồng đỏ rực rỡ của loài cây này.
Cành: Cây chùm ruột phân nhánh khá nhiều, cành thường mềm và giòn, cành gốc già màu xám đen, các cành non màu xanh nhạt, lá chủ yếu tập trung ở ngọn cành.
Quả: Quả chùm ruột có hình tròn, nhỏ đường kính khoảng 2 – 3cm, trên vỏ chia thành nhiều khía (rãnh) nông, quả non màu xanh lục, khi già chín màu vàng. Quả chỉ có 1 hạt, ăn quả xanh có vị chua giòn, khi chín có vị ngọt hẳn.
Tác dụng của cây Chùm ruột
1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Cây chùm ruột được trồng rất nhiều ở khu vực phía Nam, Tây của nước ta để làm cảnh, làm bóng mát. Cây có tầng tán rộng, có những chuỗi hoa màu hồng đỏ rực rỡ khi vào mùa và những chùm quả độc đáo, lạ mắt.
Cây được trồng nhiều để trang trí cho sân vườn biệt thự, khu đô thị, các khu chợ, khu liên hợp nhà máy, xí nghiệp… Mục đích để giảm tiếng ồn, thanh lọc không khí, hút bụi bẩn làm giảm ô nhiễm môi trường không khí.
2. Tác dụng chữa bệnh
Hầu hết các bộ phận của cây chùm ruột đều có tác dụng chữa bệnh trong đó lá và quả là phổ biến nhất, riêng vỏ rễ có độc tính khá mạnh nên phải lưu ý khi dùng và không được uống.
Theo đông y, quả chùm ruột có tính mát, vị chua và ngọt có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, hỗ trợ điều trị các bệnh lý về gan. Từ đó cải thiện và tăng cường chức năng gan, hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan rất hiệu quả.
Lá và rễ có tính nóng, lá có chứa chất sát khuẩn tác nên có tác dụng tiêu, viêm ứ máu, bầm dập ở phần mềm. Lá chùm ruột nhai nhỏ, lấy bã đắp vào vết mụn nhọt giúp làm tan mủ, giảm sưng tấy rất tốt. Ngoài ra, lá đun đặc để tắm chữa ghẻ lở, viêm da, mẩn ngứa mề đay cũng khá hiệu quả.
Rễ có độc tính khá mạnh nên không được dùng đường uống mà chỉ đun để tắm gội, xông chữa cảm sốt, đau đầu.
3. Giá trị ẩm thực
Quả và lá chùm ruột được dùng để chế biến thành những món ăn dân dã nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Lá tơ được dùng để vò nát nấu canh ăn có vị chua thanh mát, ngọn non dùng để ăn sống hoặc cuốn gỏi. Quả non được dùng để ăn tươi hoặc nấu canh, kho cá…
Quả chùm ruột cũng được dùng để ngâm rượu uống giúp giảm đau nhức mình mẩy, tay chân, đau cơ khớp.
Mứt chùm ruột cũng là món ăn vặt được mọi lứa tuổi ưa thích bởi vị chua ngọt thanh mát, vừa ngon lại rẻ phù hợp với nhiều điều kiện kinh tế.