Nhiều hộ gia đình thích trồng cây, tuy nhiên không trồng đúng kỹ thuật nên rất nhiều trường hợp cây bị suy yếu rồi chết dần. Vì thế, trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ vài lưu ý kỹ thuật bứng cây giáng hương để tránh gặp nhiều rủi ro không mong muốn.
Giai đoạn 1: Bứng cây
Cần quan sát sinh trưởng cây mà quyết định bứng. Chọn cây ở giai đoạn nghỉ hay lá đã già, và tuyệt đối không nên bứng cây đang sung mãn, sinh trưởng mạnh.
Trước khi bứng cần cắt tỉa, hạn chế phần lớn cành lá để giúp cây tránh tiêu hao nhiều năng lượng và tạo cân bằng sinh khối cho cây, bên cạnh đó kết hợp với tạo dáng cây ban đầu.
Sau đó, tiến hành bứng ngay sau khi cắt tỉa, bầu đất nên gấp 2-3 đường kính. Sau khi vận chuyển về, kiểm tra và gỡ đất đã bị vỡ từ bầu đất trong quá trình vận chuyển. Kiểm tra đầu rễ và cắt trở lại, ở những vết cắt lớn cấn bôi thuốc, ngoài ra vết cắt cần ngọt tránh dập rễ vì như thế sẽ tránh cho rễ dễ bi bịnh do vi sinh vật tấn công.
Giai đoạn 2: Đem cây ra công trình, sân vườn
Tương tự như trên, khi trồng cây ra công trình không nên bứng cây từ vườn ươm khi cây đang phát triển, ra nhiều lá non. Trường hợp cây đã có một số ít lá non cần bấm bỏ tối thiểu hai tuần trước khi trồng.
Chọn hố trồng tùy vào mực nước ngầm mà chọn độ sâu thích hợp, đối với mực nước ngầm cao thì không đào hố, chỉ đắp mô. Chất trồng đầu tiên là đá mi hay xà bần, kế đến là tro cát sau cùng là đất. Đặt bầu cây vào hố, đối với bầu cây sâu quá thì ½ chiều cao bầu nằm dưới hố, ½ chiều cao bầu cây nằm ở trên.
Sau khi trồng cây vào hố, cần tưới xung quanh cây, cũng tránh không tưới cho cây quá ướt. Khi cây ra lá bung đọt non, tiến hành bón phân vô cơ chủ yếu là đạm (1 g/1 lít nước), sau 1 tháng cây bung đọt non có thể tăng nồng độ lên 2 g/1 lít. Trong quá trình chăm sóc, cần lưu ý sâu bịnh tấn công cây mà sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lí.