Cỏ Nhung nhật trước khi được đem trồng cần được lựa chọn giống đảm bảo chất lượng và thời gian trồng.
Cỏ giống phải phát triển mạnh và đã đan thảm vào nhau, cây đều và xanh mướt chiều dài của lá tốt nhất là 2 – 3 cm.
Nếu chọn cỏ còn quá non chưa đan thảm đều, khi thảm cỏ được trải ra sẽ làm các cây sẽ tách rời làm mất vẻ đẹp tự nhiên của thảm cỏ và mất thời gian để những vị trí đó kết nối lại với nhau. Còn nếu lựa chọn cỏ quá cao hoặc quá già, cây cỏ sẽ bị cằn cỗi và khó ra lá mới làm cho thảm cỏ trở nên thô và không đồng nhất.
Các bước thi công trồng cỏ Nhung nhật
Xử lý mặt bằng:
Các bước xử lý mặt bằng tương tự như các loại cỏ cảnh khác.
Trước tiên chúng ta nên dọn dẹp các loại cỏ dại, ngoài việc dọn dẹp những loại đất này cần được phun một số loại thuốc diệt mầm hay lưu dẫn để đảm bảo các mần và hạt cỏ bên dưới mặt đất sẽ không còn khả năng sinh trưởng nữa.
Tiếp theo đối vơí những diện tích không đổ thêm các loại đất màu trồng cây thì cần được xới tơi và xử lý xà bần hay đất cục.
Đối với những mặt bằng cần đổ thêm đất thì nên sử dụng đất nâu đỏ Đồng Nai hay đất đen Củ Chi, vì đây là những loại đất có nguồn gốc rõ ràng, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và phù hợp với hầu hết tất cả các loại cây công trình. Sau khi đổ đất cần ban gạt mặt bằng bằng phẳng để tiện lợi cho việc trồng cỏ.
Xử lý mặt bằng và đổ đất màu trồng
Chuẩn bị giống:
Tùy yêu cầu cụ thể ở mỗi công trình mà chuẩn bị số lượng cỏ nhiều hay ít.
Thông thường cỏ Nhung nhật thường được trồng bằng phương pháp trải thảm theo quy cách 0,5 * 1 mét, 2 thảm sẽ được 1 m², nhưng cũng có nhiều công trình cỏ Nhung nhật sẽ được trồng cấy theo nhánh nhỏ, khi đó 1 m² sẽ được trồng ra 2 – 3 m² tùy theo yêu cầu của chủ đầu tư, đối với phương pháp này sau 1 – 1,5 tháng cỏ sẽ đan thảm vào nhau.
Kỹ thuật trồng cỏ nhung nhật
Cỏ Nhung nhật được trồng theo hai phương pháp chính là trồng trải thảm và trồng cấy, dưới đây là kĩ thuật trồng cỏ theo từng phương pháp.
Trồng trải thảm:
Bước 1: Sau khi mặt bằng đã xong cần rải đều 1 lớp tro trấu kết hợp xuống mặt đất đã được xới tơi. Đối với đất bị nhiễm phèn cần cung cấp thêm phân lân để giảm độ phèn.
Bước 2: Sử dụng thảm cỏ theo quy cách 0,5 x 1 mét trải thẳng ra theo 1 quy cách nhất định sao cho các mí của thảm cỏ khít vào nhau. Đối với những nơi có đường cong cần sử dụng kéo cắt theo mép của đường cong đó.
Bước 3: Tưới nước thật đẫm sau đó dùng đầm có trọng lượng 2 – 3 kg đầm nhẹ để rễ cỏ bám vào đất.
Ưu và nhược điểm của trồng trải thảm
Ưu điểm: Sau khi trồng, cỏ đã phủ kín đất nên không gian sẽ thay đổi ngay mà khách hàng không phải đợi thêm 1 – 2 tháng nữa, rất đẹp và tiện lợi, tiết kiệm được chi phí nhân công hơn.
Nhược điểm: Cỏ thảm sẽ có giá thành cao hơn.
Tuy nhiên đây là phương pháp được lựa chọn nhiều nhất.
Trồng cấy:
Bước 1: Sau khi mặt bằng đã xong cần rải đều 1 lớp tro trấu kết hợp xuống mặt đất đã được xới tơi. Đối với đất bị nhiễm phèn cần cung cấp thêm phân lân để giảm độ phèn.
Bước 2: Cỏ nhung nhật giống được xé nhỏ thành từng miếng, mỗi miếng có đường kính từ 5 đến 8 cm sau đó cỏ được cấy đều trên mặt đất, tùy theo yêu cầu của chủ đầu tư mà chọn khoảng cách trồng cho phù hợp nhưng phải đảm bảo khoảng cách các miếng không quá 10 cm.
Bước 3: Sau khi trồng xong, thảm cỏ cần tưới nước thật đẫm sau đó dùng đầm gỗ đầm nhẹ để rễ cỏ bám vào đất, đồng thời rải bổ sung sơ dừa hoặc tro trấu để giữ ẩm cho cỏ giúp cho bộ rễ phát triển nhanh và mạnh hơn.
Ưu và nhược điểm của phương pháp trồng cấy:
Ưu điểm: Trồng cấy là phương pháp tiết kiệm chi phí hơn cho mọi công trình.
Nhược điểm: Cần 1,5 – 2 tháng cỏ mới đan thảm đều và phủ kín. Khi đan thảm sẽ dễ tạo ra các khóm lồi lõm do quá trình sinh trưởng không đều.